Sử dụng kỹ thuật AWD kết hợp với ứng dụng công nghệ IoT (Internet of
Things hay Internet vạn vật) cùng hệ thống cảm biến thông minh đo mực nước và ứng
dụng chạy trên nền tảng điện thoại thông minh giúp nông dân theo dõi, điều tiết
mực nước một cách hợp lý.
Canh tác lúa gây ra
hơn 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và tiêu thụ 21% tổng
lượng nước cho canh tác trên toàn cầu. Nước sạch ở đồng bằng sông Cửu Long ngày
càng trở nên khan hiếm, nhất là sau những đợt hạn hán kéo dài kỷ lục trong
vài năm trở lại đây.
Để giải quyết khó
khăn trên, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Trà Vinh đã hoàn thành dự án “Ứng
dụng công nghệ IoT cùng hệ thống cảm biến thông minh và ứng dụng chạy trên nền
tảng điện thoại thông minh nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng nước trong canh tác
lúa ở ĐBSCL” với nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng thế giới (WB) tại 3 tỉnh Trà
Vinh, Cần Thơ và An Giang. Dự án được Trường Đại học Trà Vinh thực hiện trên cơ
sở ứng dụng công nghệ IoT để khuyến khích ứng dụng kỹ thuật AWD trong canh tác
lúa.
Đại học Trà Vinh đã
triển khai dự án trên tổng diện tích canh tác 70 ha lúa của 80 nông hộ nhỏ và một
doanh nghiệp. Tại mỗi địa điểm, nông dân tham gia được chia thành ba nhóm canh
tác lúa bằng phương pháp ngập liên tục với AWD thủ công hoặc AWD với IoT. Các
nhóm AWD với IoT đã được cung cấp một giải pháp công nghệ bao gồm cảm biến, đo
từ xa, hệ thống tưới tiêu tự động, ứng dụng giám sát và điều khiển trên điện
thoại thông minh. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Trà Vinh và các
chuyên gia hỗ trợ nông dân thiết lập kế hoạch tưới tiêu phù hợp với từng loại đất
và giống lúa ở mỗi địa điểm.
Kết quả nghiên cứu đã
chỉ ra rằng AWD với IoT mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nông dân tiết kiệm thêm
13% đến 20% lượng nước so với AWD thủ công. Hơn 80% nông dân đồng ý rằng AWD với
IoT giúp họ tiết kiệm năng lượng và thời gian. Trong giai đoạn cuối, ứng dụng
IoT tạo ra năng suất cao hơn AWD thủ công với mức tăng hơn 11% ở Cần Thơ, Trà
Vinh và An Giang tăng gần 5%. Với lợi ích đáng kể như vậy, phần lớn nông dân
trên địa bàn đã bày tỏ mong muốn tiếp tục sử dụng công nghệ này trong những mùa
lúa tiếp theo.