chủ nhật, 13/7/2025
chủ nhật, 13/7/2025
Tin tức

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp

Đối với ngành nông nghiệp, công nghệ 4.0 có thể mang lại những tác động tích cực, nhất là đối với các nước đang phát triển và thậm chí là cả các nước phát triển.

Ở Việt Nam, ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế (chiếm 13,96% GDP, 34% lực lượng lao động của cả nước năm 2019). Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào biến động của thời tiết, năng suất lao động của ngành còn thấp. Bởi vậy, công nghệ 4.0 là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất lao động và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Thuật ngữ “nông nghiệp 4.0” chỉ mới được đề cập đến tại Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây nhưng cũng như các ngành kinh tế khác, bản chất của nó chính là nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp số thì đã không còn xa lạ với chúng ta. Đặc trưng cơ bản của nông nghiệp 4.0 là số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật, kết hợp các hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành đảm bảo cho quá trình sản xuất – doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững.

Ưu điểm của nông nghiệp 4.0 là tạo ra các nông sản chất lương, năng suất cao ngay cả trong những điều kiện bất thuận; điều kiện làm việc của người lao động tốt hơn, thông qua kết nối di động, ngồi ở nhà mà nông dân vẫn có thể biết được diễn biến lô thửa cây trồng trên đồng ruộng và từng ô chuồng, từng con gia súc để ra các quyết định đúng, hiệu quả.

Vì những lợi ích trên mà nông nghiệp 4.0 đã và đang được phát triển ở nhiều nước, vùng lãnh thổ như Israel, Mỹ, Hà Lan, Đức, Isarel, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc. Ở Isarel, Mỹ, nông nghiệp sa mạc được phát triển với những khu nông nghiệp khép kín, giá trị mỗi héc ta lên tới 120.000 – 150.000 USD/năm.

Tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này.

Những năm gần đây, xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực trồng trọt đang ngày càng định hình và phát triển ở Việt Nam. Có thể thấy, hầu hết các nhóm công nghệ 4.0 cơ bản trong nông nghiệp đều đã được triển khai hoặc bắt đầu được thử nghiệm tại nước ta. Trong đó, các công nghệ đang được áp dụng nhiều nhất là hệ thống thiết bị máy móc được kỹ thuật số hóa, gắn cảm biến và kết nối internet (IoT sensors) và/hoặc được kết hợp với hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng để tạo thành hệ thống canh tác thông minh trong nhà, được điều khiển tự động hoặc bán tự động với quy trình khép kín. Tại một số doanh nghiệp, các trang trại sản xuất tập trung, quy mô tương đối lớn, các công nghệ này đang được áp dụng khá đồng bộ. Có thể kể đến một số vùng sản xuất điển hình đang ứng dụng các CN 4.0 này, như vùng trồng lúa của Tập đoàn Lộc Trời; mô hình “Canh tác lúa tốt nhất” của HTX Mỹ Đông phối hợp với Công ty Rynan Smart Fertilizers; các vùng sản xuất rau an toàn của VinEco, của Công ty Cầu Đất Farm, Công ty TNHH Đà Lạt GAP, …

Mặc dù, hiện nay tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng nuôi trồng cây còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,07% diện tích đất trồng cây hằng năm [1], nhưng việc áp dụng các công nghệ này đang ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, không chỉ tại các tỉnh, thành phố lớn - như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội, Quảng Ninh - mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước đều đang có các mô hình ứng dụng hiệu quả các CN này, như: Quảng Ngãi, Kon Tum, Sơn La, Cao Bằng,….

Bên cạnh các công nghệ cảm biến, hệ thống canh tác thông minh trong nhà, công nghệ sử dụng đèn LED đơn sắc để cung cấp đủ ánh sáng giúp thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây trồng cũng đã được áp dụng tại nhiều cơ sở trồng thanh long từ Bình Thuận đến Tiền Giang, hay trong sản xuất nấm và trồng hoa ở một số địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội. Các phần mềm ứng dụng trong quản lý, giám sát quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm trồng trọt cũng đã được phát triển bởi các doanh nghiệp Việt, như phần mềm Agricheck của Công ty cổ phần Đại Thành; phần mềm của VIFARM kết nối toàn cầu cho từng bao gói sản xuất, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, quy trình chế biến, thời gian bảo quản; phần mềm của Công ty Mimosatek; phần mềm Nextfarm QRcheck của Công ty NextFarm; CN điện toán đám mây Akisai của Tập đoàn FPT hợp tác với Fujitsu,… đã được đưa vào ứng dụng tại không ít cơ sở sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố.

Ngoài các công nghệ đang được áp dụng khá hiệu quả nói trên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng các công nghệ hiện đại khác như: công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; sử dụng robot để gieo hạt tự động, robot gắn các thiết bị cảm biến để thu thập và phân tích dữ liệu, sau đó đưa ra quyết định chăm sóc cây trồng phù hợp; sử dụng tế bào quang điện để sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Có thể thấy, mặc dù chưa có một mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0 nhưng đã có ngày càng nhiều công nghệ 4.0 được đưa vào thử nghiệm và áp dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

ntdien
Nguồn tin: Tổng hợp


Chuyên mục Nông Nghiệp

0 Bình luận


Để lại ý kiến




Scroll to Top
load_comment_news(0);